Nhóm nghiên cứu HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông vừa đưa vào triển khai thí điểm Cổng thông tin xác thực văn bằng chứng chỉ trên môi trường số với nền tảng ứng dụng công nghệ Blockchain và chữ ký số.
Phần mềm đảm bảo công khai, minh bạch, tin cậy trong công tác tra cứu và xác thực văn bằng, chứng chỉ; hướng tới việc cấp văn bằng, chứng chỉ số trong tương lai.
Hiện nay, vấn nạn buôn bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả vẫn đã và đang là những vấn đề nhức nhối đối với xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều đang phải đối mặt với bài toán nan giải này trong quá trình tuyển dụng; và điều đáng báo động là hàng chục nghìn bằng cấp, chứng chỉ giả đã được các cơ quan chức năng triệt phá trong vài năm gần đây.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, mỗi năm, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tiếp nhận và xử lý hàng ngàn yêu cầu xác thực văn bằng từ các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước; và việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian, nguồn lực của Học viện để xử lý do việc tra cứu và xác thực văn bằng theo cách truyền thống.
Nhằm đáp ứng mục tiêu kép là xác thực được nguồn gốc văn bằng, chứng chỉ và đảm bảo tính pháp lý của việc xác thực, nhóm nghiên cứu của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã kết hợp với Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC nghiên cứu và phát triển Cổng thông tin xác thực văn bằng, chứng chỉ dựa trên ứng dụng công nghệ Blockchain và chữ ký số tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Để đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin và đặc biệt là tính pháp lý trong công tác xác thực theo đúng Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì toàn bộ hình ảnh văn bằng, chứng chỉ và thông tin kèm theo được thực hiện ký số trước khi đưa vào hệ thống để niêm phong.
Cụ thể, công nghệ Blockchain cho phép lưu trữ phân tầng và chi tiết các thông tin của người học, bao gồm các kết quả học tập, các thông tin liên quan và các văn bằng, chứng chỉ đã đạt được; mọi sửa chữa, cũng như cập nhật bổ sung đều bị ràng buộc bởi vấn đề xác minh đồng bộ toàn hệ thống.
Blockchain cũng thực hiện lưu trữ mọi chuỗi thông tin trên hệ thống, liên kết mạng lưới dữ liệu và mọi truy xuất thông tin đều được mã hóa và truy vết với tốc độ không phụ thuộc hạ tầng băng thông. Nhờ đó, hệ thống đảm bảo tính minh bạch, chính xác của thông tin trong công tác tra cứu và xác thực; và đặc biệt Hệ thống cho phép đối chiếu và giám sát ngang hàng giữa các thành viên liên quan trong hệ thống (cơ sở giáo dục đại học, đơn vị quản lý và các đơn vị sử dụng lao động).
Khi triển khai ứng dụng giải pháp này, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và người dân có liên quan có thể dễ dàng thực hiện tra cứu và xác thực văn bằng, chứng chỉ mọi lúc, mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính.
Với định hướng góp phần hình thành giáo dục đại học số của Việt Nam cũng như triển khai chiến lược chuyển đổi số của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện đã và đang từng bước nghiên cứu và phát triển chứng nhận số, tiến tới xây dựng hệ thống quản lý, cấp phát, xác thực văn bằng, chứng chỉ số trong thời gian tới.
Nguồn: Dân trí